Thông tin xã

1. Điều kiện tự nhiên

Atiêng là xã trung tâm hành chính huyện Tây Giang, cách trục đường Hồ Chí Minh 14 km về phía Tây Nam. Phía Đông giáp xã Bhalêê và Avương; phía Tây giáp huyện Kạ Lừm, tỉnh Sê Kông, nước CHDCND Lào; phía Nam giáp xã Lăng, Dang và phía Tây Bắc giáp xã Anông. Xã Atiêng cách thành phố Tam Kỳ của tỉnh Quảng Nam khoảng 180 km về phía Đông Nam; cách thành phố Đà Nẵng 110 km về phía Đông. Với vị trí địa lý đó, xã Atiêng là địa bàn quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam và cả nước.

Diện tích tự nhiên của xã là 6.450,462 ha, bao gồm 06 thôn: Ra’bhượp, Agrồng, Ahu, Ta Vang, Achiing và thôn Tr’lêê; trong đó thôn Tr’lêê giáp với nước bạn Lào có đường biên giới dài 5,4 km, có 01 cột mốc 682, độ cao 1200m.

Địa hình xã Atiêng núi cao, hiểm trở, bao gồm 80% diện tích bị chia cắt bởi núi rừng và nhiều hệ thống sông, suối dày đặc. Nhìn tổng thể, địa hình xã Atiêng thoai thoải từ Tây sang Đông, có một số đỉnh núi cao như: đỉnh Adông cao 1.025m, đỉnh Tóoc cao 983m tại thôn Rà Bhướp, đỉnh Aleeng cao 986m tại thôn Tàvàng, đỉnh Hơr Lang cao 855m tại thôn Agrồng… là những trở ngại lớn để phát triển kinh tế - xã hội và các lợi thế khác của địa phương.

Xã Atiêng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, gió mùa thuộc Đông Trường Sơn, nóng ẩm và mưa nhiều, nhiệt độ trung bình hằng năm là 220C, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm là 100C-150C, lúc cao nhất là 380C và thấp nhất là  khoảng 100C. Trên địa bàn xã, nhiệt độ không khí ở dạng đỉnh, cực đại là vào tháng 6 và tháng 7 và cực tiểu là vào tháng 12 năm trước và tháng 01 năm sau. Khí hậu ở đây  chia thành 4 mùa[1]: mùa xuân từ tháng 1-3 (Cơtu gọi ha’pruốt), mùa hè từ tháng 4-6 (ch’noọng), mùa thu tháng 7-9 (c’luốch) và mùa đông tháng 10-12 (ha’ot).

Vào mùa xuân khí trời còn ảnh hưởng mùa đông nên tháng 1-2 trời rét, mưa phùn, mây dày đặc vào buổi sáng; tháng 3 trời bắt đầu hửng nắng, dân bắt đầu đốt, tỉa rẫy ba trăng (óch ha’rêê chi’roo); tháng 4, 5, 6 sáng nắng, chiều mưa giông kèm sấm sét, dân thường làm cỏ lúa rẫy ba trăng, làm ruộng lúa vụ mùa; tháng 7, 8 trời nắng hanh, gió tây Nam (gió Lào) thổi về, mùa tìm kiếm mật ong, thu hoạch lúa ba trăng; cuối tháng 9 đầu tháng 10 và tháng 11 bước vào mùa mưa, dân tập trung thu hoạch lúa mùa, đàn ông săn bắt chim thú; tháng 12 trời lạnh, sương dầy kéo dài đến hết tháng 01 năm sau là thời điểm khó khăn đối với người dân.

Lượng mưa trung bình hàng năm từ 2.650mm đến 2.750mm; có 02 mùa rõ rệt, mùa khô từ tháng 02 đến tháng 8 và mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 02 năm sau, lượng mưa ít nhất thường xảy ra vào tháng 6, tháng 7 và mưa nhiều nhất thường tập trung vào các tháng 9 đến 11 hàng năm.

Độ ẩm trung bình từ 83 đến 93%, diễn ra từ tháng 9 hàng năm, qua tháng 2 năm sau và vào mùa ẩm thấp. Lượng bốc hơi bình quân hằng năm 90mm, cao nhất vào tháng 6,7,8 có khi lên đến 120-125mm.

Atiêng gió thịnh hành là gió mùa Đông Bắc xuất hiện từ tháng 10 đến hết tháng 3 năm sau, thời tiết lạnh và kèm theo mưa lớn, lũ lụt. Gió Tây Nam xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 9, mang theo những đợt gió khô nóng từ Lào thổi sang. Lũ lụt thường xuất hiện vào các tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, các khu vực ven sông, suối gây ngập úng diện tích đất sản xuất, làm ảnh hưởng gây khó khăn lớn đến nơi ở của nhà dân và các công trình công cộng của địa phương.

Atiêng có địa hình hầu hết núi cao, có độ dốc lớn và chia cắt thành nhiều vùng, đan xen gồm hệ thống sông, suối chảy qua bắt nguồn từ các dãy núi biên giới phía Tây giáp với nước bạn Lào đổ về như sông Avương, suối Brêêng, La Bang, Tr’lêê...

Sông Avương bắt nguồn từ núi Arung có độ cao 2.005 mét so mặt nước biển, thuộc xã Tr’hy trên đỉnh phân thủy biên giới Việt - Lào, sông chảy theo hướng từ Tây nam sang hướng Đông bắc qua xã Lăng, rồi đến thôn Agrồng, qua Ahu, Ta Vang, Achiing đổ về địa phận xã Bhalêê. Sông Avương chảy dọc theo đất Atiêng dài 9km, là sông lớn nhất ở Tây Giang, rộng trung bình 20-30m, lòng sông hẹp và dốc, lưu lượng nước biến đổi theo mùa, mùa lũ thường gấp đôi dòng chảy mùa khô. Sông, suối ở Atiêng tương đối dày đặc, có độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh, là nguồn nước chính phục vụ sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và là điều kiện thuận lợi để xây dựng các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện. Theo kết quả điều tra, khảo sát, trên sông Avương qua Atiêng có thể xây dựng 01 công trình thủy điện bậc thang dưới 10MW.

Có thể thấy, nguồn tài nguyên nước ở Atiêng bao gồm nước mặt được cung cấp bởi hệ thống các sông, suối, ao, hồ chảy xen giữa các khu dân cư và nguồn nước ngầm về cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã và sinh hoạt của người dân trung tâm huyện Tây Giang.

Tài nguyên đất: Diện tích đất nông- lâm nghiệp tại xã Atiêng là 5703.25 ha, chiếm 95.08 % tổng diện tích tự nhiên. Trong đó: đất sản xuất nông nghiệp 555.03 ha, chiếm 9,73 %, đất lâm nghiệp 5146.01ha, chiếm 90,23%, đất nuôi trồng thuỷ sản 210 ha, chiếm 0,42 %.

Diện tích đất phi nông nghiệp 131.95 ha, chiếm 2,20 % tổng diện tích tự nhiên. Trong đó: đất ở 15.73 ha, đất chuyên dùng: 66.66 ha, đất tín ngưỡng 0.15 ha, đất nghĩa trang, nghĩa địa 2.26 ha, đất sông suối: 46.46 ha, đất mặt nước chuyên dung 0.69 ha, đất phi nông nghiệp khác 0.78 ha.

Diện tích đất chưa sử dụng 162.92 ha, chiếm 2,72 % tổng diện tích tự nhiên. Trong đó: đất bằng chưa sử dụng: 23.28 ha, đất đồi núi chưa sử dụng 139.64 ha.

Đất trên địa bàn xã chủ yếu là đất đỏ vàng trên đá sét (Hs) và đá biến chất (Fj), chiếm 57,73% diện tích đất tự nhiên, tập trung vùng gò đồi phía Tây của xã, đất phù sa tập trung ven các con sông, suối lớn và một số ít ở chân gò đồi, thành phần cơ giới thịt trung bình, có đá lộ đầu rải rác đến tập trung, thích hợp trồng cây lâu năm và cây lâm nghiệp. Đất Hs phân bố rải rác ở vùng có độ cao từ 700m – 1.300m nên xói mòn mạnh, tầng đất mỏng, hàm lượng mùn cao, màu vàng, phản ứng chua. Đất nâu tím trên đất sét (Fe) chiếm 12,43% diện tích, tập trung chủ yếu ở phía Đông của xã, được hình thành trên đá phiến sa thạch và phiến thạch, tầng dày ở độ sâu từ 0,7 - 1,5m, thích hợp phát triển lâm nghiệp. Đất dốc tụ chiếm 1,8%, do bị bào mòn, rửa trôi từ độ cao, nhiều hữu cơ, độ phì khá. Đất phù sa được bồi (Pbe) chiếm 9,32% do sự bồi lắng phù sa của sông, suối bồi đắp, cơ giới từ cát pha đến thịt nhẹ, hàm lượng mùn trung bình khá, giảm theo độ sâu[2]Trong lòng đất Atiêng có nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản như: vàng, đá Granit, đá vôi, đất sét,… Từ lâu, người Cơtu sống trên địa bàn xã đã biết khai thác các nguồn tài nguyên rừng, tài nguyên đất đai và tài nguyên khoáng sản để phục vụ và cải thiện đời sống, trở thành địa chỉ nổi tiếng về khai thác khoáng sản.

Tài nguyên rừng: Khá đa dạng, phong phú với nhiều chủng loại thực vật: sến, chò, dổi, lim, huỷnh, sơn đào... các cây dược liệu quí: ba kích, đẳng sâm, thiên niên kiện, ngũ vị tử, bảy lá một hoa...; các loại động vật: sao la, hổ, gấu, nai, mang, heo rừng, sơn dương, nhím, chồn bay... Do sự tàn phá của chiến tranh và sự khai thác bừa bãi của con người nên một số rừng gỗ và động vật quý hiếm ngày một giảm dần, trong đó có một số loài tuyệt chủng.

Tài nguyên nước: Ngoài sông Avương, trên địa bàn xã còn có một số khe suối như Tr’lêê, Brêêng, Ađhôr, La Bang,…là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Nguồn nước ngầm đến thời điểm hiện nay vẫn chưa được khảo sát cụ thể; qua thực tế, nguồn nước ngầm vẫn có nằm dưới độ sâu trung bình từ 5 - 10m. Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của địa hình, người dân chủ yếu dẫn nước về từ các khe suối theo hình thức nước chảy tự nhiên.

Tài nguyên khoáng sản: Hiện một số cơ quan khảo sát khan hiếm, chủ yếu là khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ xây dựng tại chỗ. Hiện tại xã có 01 mỏ đá với công suất 4.0003/năm đang hoạt động từ năm 2007 đến nay tại thôn Ahu, mỏ đá tại thôn Rà Bhướp có công suất nhỏ, thỉnh thoảng mới đưa vào khai thác. Ngoài ra, xã còn có nguồn tài nguyên vàng sa khoáng phân bố dọc theo sông Avương và một số gò đồi rải rác nhưng không đáng kể.

Về giao thông đường bộ: Trước khi tái lập huyện Tây Giang (năm 2003) chỉ có tuyến đường DT 606 từ Azứt (Bhalêê) đi xã Lăng đoạn qua xã Atiêng dài 07km, đường đất hẹp, trơn trợt và độ đốc cao, còn lại xuống các thôn nhân dân tự mở, đi lại hết sức khó khăn. Hiện nay, đường DT 606 đã thâm nhập rải nhựa, rộng 5,5m, nền đường rộng 3,5m, là tuyến giao thông huyết mạch nối liền của trung tâm huyện, thuận lợi trao đổi, giao lưu hàng hóa với khu vực khác. Đường Atiêng - Dang (ĐH2.TG) đi qua địa bàn xã dài 6km, rộng 3,5m, đang hoàn thiện đổ bê tông, thuận tiện cho nhân dân thôn Rà Bhướp đi lại. Đường Atêếp1-Anông-Achiing (ĐH3.TG) đoạn qua xã dài 1,5 km, rộng 3,5m, láng nhựa, giúp nhân dân Achiing và xã Anông đi lại dễ dàng. Đường tránh lũ Apát (xã Avương) - Rà Bhướp qua xã dài 15 km, hiện vẫn còn đường đất. Đường Agrồng - Tr’lêê dài 06km, hiện đã đổ bê tông nền đường, rộng 3,5m. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có các tuyến đường vào khu sản xuất như đường bê tông Tàvàng - T’lăn, đường đất Achiing - M’loóc, đường trong khu trung tâm hành chính huyện dài 1,98km, rộng 27m và tuyến nhánh dài 3,24km.

 2. Đặc điểm  lịch sử và dân số xã Atiêng

    Vài nét về lịch sử hình thành dân cư và dân số

Xã Atiêng theo lời kể của các cụ cao niên, tổ tiên của người Cơtu trước đây cư trú ở một vùng rộng lớn miền núi, trung du, đồng bằng ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên – Huế và miền Tây Quảng Nam – Đà Nẵng kéo dài đến biên giới Việt – Lào. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, dân tộc Cơtu dần bị thu hẹp địa bàn sinh sống như ngày nay. Cách đây khoảng 200 năm, những người Kinh theo Tây Sơn, bị Gia Long đàn áp đã chạy lên vùng Dang, Atiêng, Ating, Tr’hy, Axan[3]theo con đường tơ lụa xưa, hay còn gọi đường muối[4] để trú ẩn. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, do chính sách chia rẽ của thực dân, phong kiến, sự giao tiếp giữa người Cơtu và người Kinh chỉ thông qua con đường buôn bán giữa các thương lái người Kinh với đồng bào ở các địa điểm trung gian như vùng Phú Túc (Hòa Vang) và An Điềm, Bến Hiên (Đại Lộc). Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 – 1975), thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng nhằm chống kẻ thù chung, một số cán bộ người Kinh thoát ly lên vùng đồng bào Cơtu xã Atiêng sinh sống và hoạt động cách mạng, được đồng bào nuôi giấu, che chở; thanh niên xã Atiêng thoát ly tham gia cách mạng, đi bộ đội, sát cánh cùng với người Kinh đánh giặc, giữ làng, giải phóng quê hương.

Sau năm 1975, một số cán bộ người Kinh chuyển công tác khỏi địa bàn, còn lại cán bộ biên phòng, giáo viên, y sỹ và một số cán bộ huyện về tăng cường giúp địa phương từng bước ổn định tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, xã Atiêng là căn cứ địa cách mạng, với nhiều cán bộ chủ chốt của xã chính là người Kinh như đồng chí Quách Xân (Cónh Axơớp) Lê Hồng Mao (Conh Ta Lăng), Xuân - Conh Cơ Xêê, Trịnh Trâm (Conh Aplo), Conh Grliêng, Conh Ngơơn, Nam-Conh Xơơng, Vuy, Thái, Kiu, Cảnh, Gia, Nguông…

Sau khi tái lập huyện Tây Giang (2003) đến nay, dân số trên địa bàn xã tăng nhanh, chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức huyện và những người dân lên làm ăn, sinh sống lâu dài. Theo thống kê, năm 1975 dân tộc Cơtu tại xã Atiêng có khoảng 600 người, dân tộc Kinh có hơn 10 người; năm 1990, dân tộc Cơtu có khoảng 800 người, dân tộc Kinh có khoảng 50 người, dân tộc khác khoảng 12 người; năm 1999 - 2000, dân tộc Cơtu có trên 1.000 người, dân tộc Kinh có khoảng 100 người, dân tộc khác 07 người.

Dân số tính đến thời điểm 30/12/2015, toàn xã có 2.430 người/611 hộ, dân tộc Cơtu 2.117 người (chiếm 87,12% dân số), Kinh 313 người (chiếm 12,9%), còn lại các dân tộc khác như Mường, Thái, Tày, M’nông, Cadong, Ve, Giẻ - Triêng, Mường chiếm 1,5%. Mật độ dân số là 2,5 người/km2. Nhân dân xã Atiêng và chủ yếu người Kinh sinh sống ở trung tâm huyện, dọc đường ô-tô, nơi có điều kiện kinh doanh buôn bán, xây dựng… xã Atiêng chủ yếu dân tộc Cơtu và Kinh sinh sống, còn các dân tộc khác rất ít. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có một số dân tộc khác dân tự do di theo gia đình đến sinh sống, lập nghiệp như: Tày, Mường, Tà Ôi, Hre, Mơnông ...Điểm đặc biệt của các dân tộc sinh sống ở Atiêng là các dân tộc rất đoàn kết, không có sự phân biệt, chia rẽ giữa các dân tộc, luôn tận tình giúp đỡ nhau để cùng phát triển. Người Cơtu ở Atiêng có 29 dòng tộc chính, gồm: Abiing, Alăng, Arâl, Arất, Avô, Aviết, Ata, Ating, Aghiêng, Bh'riu, Bh’rao, Bh'nướch, Bhling, Blúp, K'phu, Cêr, Coor, C'lâu, Hốih, Hiêng, Ra’pát, Riáh (Rêếh), Ta’rương, Tacoi, P'loong , Ka’đắh, J'đêl, J'ngol, Z'râm...

Trong quá trình cộng cư, đồng bào Cơtu xã Atiêng và đồng bào Kinh trong xã từ xa xưa đã có mối quan hệ đoàn kết, gắn bó mật thiết với nhau, không những trong đời sống kinh tế, văn hoá mà còn biểu hiện sâu sắc trong quá trình đấu tranh chống áp bức bóc lột, ngoại xâm và xây dựng quê hương.

3. Về đời sống văn hóa: 

Từ bao đời nay, người Cơtu vẫn giữ được nhiều nền văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị, trở thành di sản quý báu của dân tộc, cho dù phải trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Ở xã Atiêng, đồng bào vẫn còn giữ đậm nét truyền thống văn hóa ông khá tốt đẹp, để thế hệ sau tiếp tục bảo tồn, lưu giữ và truyền đạt lại cho con, cháu thế hệ mai sau.

Về cư trú: Người Cơtu Atiêng cư trú theo làng (Vêêl), gồm một số người cùng dòng họ quây quần bên nhau trong mái nhà chung. Làng xưa kia chọn nơi đất cao ráo hình tròn hay bầu dục, có tầm nhìn xa, dễ quản lý bảo vệ, có nguồn nước dùng; xung quanh làng được vây bọc bằng những lớp rào chắc chắn bằng gỗ hay đào giao thông hào, nhằm chống lại mọi đe doạ từ vũ lực bên ngoài. Làng có đường phân định địa giới lân cận (t’nil cr’chăl hay là bhlưa c’noong) thường được đánh dấu bằng một số cột mốc (tr'nil j'niêng) ngẫu nhiên sẵn có như con suối, con sông, tảng đá lớn, cây cổ thụ, đỉnh núi…Khi đã xác định xong người ta lấy đá dựng làm mốc, người Cơtu gọi là“tram”. Ranh giới này được sự thống nhất từ lâu đời hoặc sự điều chỉnh, thỏa thuận giữa các làng với nhau.

Làng được bao bọc bởi những hàng rào quanh làng nên có lối thông cửa ra ngoài hai cổng chính, cổng này xưa kia thường khóa chặt vào ban đêm. Ngày nay, cổng để trống có bậc thang bước lên, bước xuống một cách thuận lợi, dễ qua lại. Ngoài ra, làng còn có các cổng phụ phù hợp lối ra rừng, ra rẫy của nhóm hộ. Người C’tu ngoài nhà chính còn có khu đất riêng để làm trang trại sản xuất, chăn nuôi, tại khu đất này họ có nhà phụ để ở qua ngày, người C’tu gọi là zơng.

Việc quản lý, bảo vệ làng theo địa phận của làng: Các thành viên đều có trách nhiệm và nghĩa vụ, quyền lợi như nhau. Còn khai thác lâm khoáng sản, săn bắt chim thú thì theo địa phận riêng của người có chủ rừng, chủ đoạn sông, suối của hộ hay của dòng tộc... 

Lịch sinh hoạt: Người Cơtu biết sử dụng vòng quay của mặt trăng làm lịch chính cho mình, họ nhìn lên mặt trăng biết ngày đó là gì, nên làm gì, tránh gì. Người Cơtu tính một tháng 30 ngày, một năm 12 tháng; sản xuất trồng trọt tốt nhất vào tháng 2, 3 âm lịch; trồng củ, quả nên trồng ngày 13, 14 và 16, 17 trăng tỏ củ quả cũng to mập, còn trồng ngày 15 quả to dễ nứt; chặt cây làm nhà vào mùa trăng khuyết, không bị mối mọt; săn bắt tốt nhất vào ngày 30, mồng một (k'chêê hay k'nhưức), mồng hai (k’chơơch), mồng 5, 6 (k’lang looh), dễ có thú.... Cưới xin, vào nhà mới chọn các ngày 07, 08 (đha), 16 (tr’cuôl); dựng hay khánh thành gươl vào ngày 06 (k’lang) tốt nhất; lấy mật và nhộng ong thì lấy từ ngày 20 - 29 mật đầy, nhộng chín[5].

Trong hôn nhân và gia đình: Đối với dân tộc Cơtu, phụ nữ sau khi kết hôn đều cư trú bên nhà chồng (gia đình phụ quyền). Trai gái Cơtu trưởng thành được từ do tìm hiểu bạn đời, nhưng thường do cha mẹ hỏi dạm thông qua mai mối. Tục ngủ Duông (lướt Zơng) làm một hình thức trai gái tìm hiểu nhau công khai, không phải giấu giếm, lén lút. Đôi trai gái ngủ Duông với nhau chỉ được phép tâm sự, tìm hiểu nhau. Luật tục của người Cơtu rất nghiêm đối với những trường hợp “xé rào”, chàng trai nào trót để người con gái có thai trước hôn nhân bị phạt rất nặng, phải giết heo, mổ bò đền cho làng, phải mang gia sản quý nhất của gia đình để đền cho nhà gái, thậm chí phải chịu nợ truyền từ đời này sang đời khác. Luật tục này đã ăn sâu trong tiềm thức của các thế hệ người Cơtu, nên quá trình ngủ Duông trai gái Cơtu luôn ý thứ giữ gìn, không “vượt rào”. Bây giờ, tục ngủ Duông chỉ còn trong tâm thức của những người lớn tuổi, thế hệ sau này cũng không còn duy trì nữa.

Thông thường trong cưới xin, nhà trai chủ động đến nhà gái xin vợ cho con, em mình. Việc hôn nhân thường hai gia đình sắp đặt là chính, nên nhiều cô gái còn rất trẻ nhưng gia đình đã “đặt chồng” cho cô ta, và nhận của cải trước bên nhà trai (gọi jập nhar), khi lớn lên bắt buộc phải về bên nhà trai ấy. Trường hợp cô gái hay nhà gái phản bội điều hôn ước trước đây thì nhà trai có quyền đòi lại của gấp đôi hoặc gấp ba lần so với lễ vật đã cho trước đây; nếu nghèo không có lễ vật thì hứa tiếp tục gả con gái sau này từ 1-2 đứa cho “chủ nợ” (gọi đầu tôi). Muốn có vợ điều bắt buộc nhà trai phải có tài sản nhất định, như: ché, chiêng, trâu, bò, heo, dê, cườm, ma não..., không có tài sản thì trai đến ở nhà vợ, người Cơtu gọi là Tr’xââl. Nhà gái cũng phải cho nhà trai một số tài sản nhất định có khi tương ứng về giá trị ngang vật, như: tấm tút, chiếu đan bằng lá dứa dại,… Thức ăn trong cưới hỏi nhà trai giết mổ là động vật hay thú rừng bốn chân (trâu, bò, heo, dê, chó, nai...)[6] và cho nhà gái ăn cơm tẻ. Nhà gái giết mổ động vật hai chân hay các loài cá, điển hình: gà, vịt, chim, cá và gùi đến nhà trai cùng với xôi, bánh nếp, cơm lam, gạo nếp... Hai dòng tộc không ăn chung mâm, bên nhà gái chỉ ăn các đồ vật của bên nhà trai nấu và ngược lại nhà trai cũng vậy, họ không ăn lại những thức ăn do bên mình làm ra.

Trong phong tục truyền thống hôn nhân của người Cơtu, con trai bên nhà cô bao giờ cũng muốn lấy gái con nhà bên nhà cậu. Về cái lí người ta vẫn biết bên ngoại có cùng dòng máu (gọi tơr’pưn, nối rốn), nhưng bên nội khác họ thì lấy nhau được. Song, thực tế nội hàm bên trong của vấn đề này là ở của cải (jập nhar), lấy tơr’pưn của ít cậu cũng thông cảm không đòi gì hơn, vì cũng con cái trong nhà; của có nhiều nhà trai cũng không tiếc, vì cho nhà cậu cũng như để trong nhà mình. Hai vợ chồng sinh đẻ, nuôi nấng được con cái quan niệm cho rằng là do thần linh quyết định, họ quý mến con cái ít đánh đập và thích có đông con cháu trong nhà. Về sinh sản của người phụ nữ Cơtu vẫn theo lối truyền thốngkhi sắp đến ngày sinh đẻ sản phụ được đưa ra ngoài rừng, có một cụ bà (thường là những bà có kinh nghiệm đỡ đẻ) đi theo để đỡ đẻ, chăm sóc em bé và khấn vái thần linh phù hộ. Cụ bà chỉ lo giúp đỡ khi đẻ con đầu lòng, những đứa con sau người mẹ tự lo. Sau khi sinh xong, phụ nữ Cơtu xuống suối tắm rửa sạch sẽ, bồng con về nhà chăm sóc con gần bên bếp lửa sưởi ấm, che kín riêng phần mẹ con nằm. Thời điểm vợ sinh con, người chồng phải tránh mặt, không ở nhà, bởi theo quan niệm của người Cơtu, việc sinh đẻ chủ yếu do phụ nữ đảm nhận, có người thân chăm lo, người chồng chỉ lo phần săn bắt thú rừng để có thịt ăn cho hai mẹ con, thường là ếch núi (cút, cha gong). Sau ba đến bốn ngày hoặc một tuần, người mẹ có thể đi làm và người chồng trông giữ con, qua vài tháng mới đặt tên cho con, thường do ông bà nội đặt tên. Ngày nay, nhận thức của người Cơtu đã tiến bộ nhiều, việc sinh đẻ đa số đều đến các dịch vụ y tế để tiện chăm sóc.

Mồ mả (Ping Xal), tang ma: Từ bao đời nay, Làng Cơtu cũng đều có khu vực đất dành để chôn cất người chết. Mồ mả thường phân thành hai khu: Mộ ở khu gần làng gọi ping xal liêm (chết vì bệnh, người lớn tuổi); còn có khu chôn ở rừng sâu chi’nâng cr’lộ (ping xal mốp - chết xấu, do tai nạn, chết đẻ, cọp vồ…). Trước đây, vì chết xấu mà nhiều làng phải bỏ đi nơi khác. Tang ma là việc hệ trọng của mỗi gia đình, khi có người chết cả làng đến giúp đỡ tận tình, hòm làm từ thân gỗ lõi theo kiểu độc mộc, người chết được con cái phải tắm rửa sạch sẽ, cho mặc đồ mới, đẹp và tài sản cũng được chia phần cho người chết; người chết được đặt theo tư thế nằm mặt ngửa, quan tài đậy nắp và để chính giữa nhà trong thời gian đám ma. Thông thường người chết khi được chôn cất, đầu hướng đông, chân hướng tây, với ý niệm người chết luôn ngước mắt lên trời, nhớ cội nguồn, nhớ sự sống; còn nơi mặt trời lặn là trở về cõi vĩnh hằng. Người chết được chia của tượng trưng và thịt trâu, bò, heo, gà... theo khả năng của gia đình. Mục đích để cho người đó khi đến thế giới bên kia thanh thản không quấy rầy người sống.

Tín ngưỡng: Là một mảng quan trọng liên quan đến mọi sinh hoạt của làng và gia đình trong tâm linh của người Cơtu. Người Cơtu theo tín ngưỡng đa thần, “Thần” là các hiện tượng tự nhiên như: Trời, đất, mây, mưa, sấm, mặt trăng, thần núi, thần sông, thần rừng, thần rẫy, lúa,.. Mục đích là cầu an, tránh rủi ro cho cộng đồng hay cho gia chủ. Người Cơtu cho rằng ở đâu cũngđều có Abhô Dang (giàng) dõi theo; làm điều tốt, việc thiện giàng ban thưởng gia đình yên ấm, sức khỏe tốt, làm ăn suôn sẻ. Ngược lại làm việc ác, trộm cắp...giàng sẽ phạt. Do đó, trước khi làm gì phải cúng để “xin giàng”, “xin thần đất”, “xin thần rừng, thần sông, suối”, “thần lúa ngô...” tha thứ, ban thưởng,… Đến nay, tục kiêng cử vẫn được người Cơtu duy trì khắt khe. Mỗi khi làng hoặc hộ gia đình có việc như phát rẫy, dựng nhà, tuốt lúa, lễ tang,… đều có lễ nghi kiêng cử riêng.

Việc cúng bái thần linh để cầu an cho dân làng hay xử phạt gia đình, cá nhân nào đó gây ra lỗi lầm, như: nam nữ quan hệ bất chính, sẩy thai, phá cây cổ thụ, đốt cháy rừng già, khu mồ mả, chết xấu...đều được tiến hành giải quyết tại gươl một cách trang nhiêm với đầy đủ các thủ tục, lễ nghi theo luật tục quy định. Trong gia đình người Cơtu không có bàn thờ tổ tiên, ông bà mà chỉ có bàn thờ để cúng đấng thần linh là Giàng.

Do tích lũy được kinh nghiệm sống trong quá trình lao động, sản xuất và chiến đấu, người Cơtu có nhiều phong tục đẹp mang đậm nét văn hóa của riêng mình. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi một số tập tục lạc hậu, tiêu cực, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất, như: “đầu tôi”(jâp nhar)[7], cử “chết xấu” (chêết môp)[8] “giặc mùa”[9] và nhiều kiêng cữ phiền toái khác…ảnh hưởng đến đoàn kết giữa các làng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống xã hội, tác hại đến sự phát triển nòi giống. Những tập tục lạc hậu này đã xóa bỏ vào những năm 50 của thế kỷ XX.

Chữ viết: Người Cơtu bắt đầu hình thành vào năm 1954, khi Huyện ủy Hiên bước đầu đặt vấn đề phiên âm tiếng Cơtu, xây dựng bộ vần Cơtu và giao cho đồng chí Trương Hề nghiên cứu thực hiện. Giữa năm 1954 Huyện ủy quyết định mở lớp thử dạy chữ Cơtu đầu tiên, nhưng không thực hiện được vì sau Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, ta lo đối phó với địch để giữ vững căn cứ cách mạng ở miền núi. Người Cơtu xưa kia chưa có chữ viết nhưng nhớ rất lâu, nhớ kỹ cách sinh hoạt, các sự kiện, vụ việc do người đi trước làm và kể lại[10].

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ có hiệu lực, tình hình chính trị ở nước ta thay đổi, đất nước bị chia cắt hai miền Nam, Bắc. Để tiếp tục cuộc kháng giành độc lập dân tộc, Đảng ta chủ trương xây dựng miền núi thành căn cứ địa cách mạng lâu dài, toàn diện và vững chắc. Thực hiện chủ trương của Đảng, trước hết phải là cán bộ tại chỗ (dân tộc tại chỗ), mà dân tộc đó, cán bộ đó phải biết chữ để tuyên truyền chủ trương, đường lối đến quần chúng nhân dân am hiểu thực hiện. Vì vậy, năm 1956 Ban Cán sự miền Tây Quảng Nam và Huyện ủy Nam Giang giao cho đồng chí Cónh Ta Lăng (tức Lê Hồng Mao) dưới sự chỉ đạo của đồng chí Quách Xân (Cónh Axơớp) tiếp tục nghiên cứu, xây dựng bộ vần Cơtu và mở lớp dạy thử tại khe Vua (với 12 học sinh theo học). Sau khi rút kinh nghiệm tiếp tục chỉnh lí, hoàn chỉnh bộ vần Cơtu, Ban Cán sự và Huyện uỷ Nam Giang mở tiếp một lớp học tại khe Zhương, với 84 học sinh và sau 4 tháng học tập 82/84 học sinh đã biết đọc, biết viết chữ C'tu, phong trào học vần Cơ'tu từ đó được dấy lên nhiều nơi.

Tháng 6 năm 1957, huyện ủy Hiên trao đổi với Ban Cán sự và Huyện ủy Nam Giang tổ chức mở lớp học vần Cơtu tại Hiên. Ban Cán sự miền Tây thống nhất và cử đồng chí Cónh Ta Lăng, Cónh Yêm cùng với 04 học sinh giỏi của trường Zhương qua giúp huyện ủy Hiên tổ chức và khai giảng khóa học đầu tiên tại trường Gố (xã Za’hung, Đông Giang hiện nay) có 75 học sinh, do đồng chí Cónh Ta Lăng phụ trách; trường Apát T’ghêy (thuộc xã Avương-Tây Giang hiện nay) có 69 học sinh, trong đó có 06 học sinh ở Thừa Thiên - Huế gửi vào học, do đồng chí Cónh Yêm phụ trách. Kết thúc khóa học, cán bộ và nhân dân đến chứng kiến rất đông và tận mắt nhìn thấy được người con của Cơtu: Cónh Cơ Đông[11] lớp trưởng và em gái ALăng Chốt thay mặt học sinh đọc cảm tưởng bằng giấy trắng mực đen, bằng tiếng mẹ đẻ của mình (tiếng Cơtu), đồng bào rất ngạc nhiên và rất phấn khởi. Đồng chí Mười Khôi, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (lúc bấy giờ) đến dự bế giảng và phát biểu: “Trước đây đồng bào ta bị thực dân phong kiến áp bức, bóc lột. Đảng đem lại văn minh cho đồng bào, người Cơtu đã có chữ viết, chúng ta phải phát huy những điều lợi ích mà Đảng đã đem lại để làm cho đồng bào ta mau tiến bộ, ấm no, tích cực xây dựng căn cứ miền núi góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Sau đó số học sinh này trở về làng, xã của mình, các ông già làng và nhân dân địa phương phấn khởi và tổ chức ăn mừng đón chữ Bác Hồ, mừng cho làng mình, dân tộc mình có chữ. Kể từ đó về sau, nhiều lớp học chữ Cơtu tiếp tục mở rộng ra khắp huyện, vần chữ Cơtu tiếp tục chỉnh lí, hoàn chỉnh phù hợp thực tế. Theo một số nhân chứng đãtham gia học ngay từ lớp đầu tiên ấy, nhiều người sau này trở thành giáo viên, cán bộ ưu tú của Đảng. Đến năm 1965, sau khi chỉnh lí xong tại trường Apăng và cán bộ người Kinh dần dần hiểu sâu ngôn ngữ, phong tục người Cơtu, thì chữ Cơtu tương đối thống nhất và cơ bản hoàn chỉnh. Vì vậy, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước chữ Cơtu đã từng là một trong những công cụ tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng qua tờ báo “GUNG DƯR” (Vùng lên) góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, do bộn bề công việc hàn gắn vết thương chiến tranh, bên cạnh đó các thầy giáo dạy chữ Cơtu đa phần chuyển về đồng bằng, thêm vào đó những năm 1977 - 1978 các thầy cô tăng cường lên miền núi dạy chữ phổ thông trong chiến dịch “Ánh sáng văn hóa” nên chữ Cơtu dần dần bị lãng quên. Sau này vào những năm 1985-1986, Sở Giáo dục Quảng Nam - Đà Nẵng có biên sọan và dạy chữ Cơtu nhưng hiệu quả cũng không cao. Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương trong lĩnh vực văn hóa của Đảng, phong trào bảo tồn, phát triển văn hóa Cơtu, trong đó có chữ viết dần dần được khôi phục truyền giảng từ huyện đến tỉnh. Chữ Cơtu đã trở thành tài sản vô giá của cách mạng, giành tặng cho đồng bào dân tộc Cơtu.

Văn hoá làng Cơtu đã tồn tại hàng ngàn năm trong lòng núi rừng Trường Sơn hùng vĩ,chính sự khép kín của làng như vậy mới bảo tồn giống nòi trước sự tàn khốc của thiên nhiên, thú giữ và “giặc mùa”. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người Cơtu luôn đùm bọc, đoàn kết bên nhau, sống hướng thiện, trước sau chỉ nghe theo Đảng và Bác Hồ, không nghe theo bọn xấu lôi kéo, không theo giặc, bán  nước hại dân.

Trong lĩnh vực văn hoá, đồng bào và nhân dân xã Atiêng hiện còn lưu giữ được nhiều văn hoá vật thể vô giá như trống Đồng Đông Sơn[12], ché, chiêng cổ…và đang được bảo tồn, phát triển cùng với việc phát triển văn hoá làng, văn hoá truyền thống theo tinh thần Nghị quyết Trung ương V khóa VIII của Đảng, được nhân dân đồng tình ủng hộ trên tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhân dân hiến kế, hiến đất đai, không đòi đền bù để có mặt bằng rộng, sạch đẹp, xây dựng cuộc sống thôn, làng ổn định lâu dài với nhiều đổi thay. Đây là chủ trương đúng hợp lòng dân để làng “sống, sôi động, đoàn kết và văn hoá”, kèm theo các thiết chế văn hoá khác cũng đồng bộ triển khai đầu tư, nhất văn hoá cồng chiêng, lễ hội ăn lúa mới, đâm Trâu, các ẩm thực Cơtu, dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, dạy học chữ Cơtu, truyền dạy hát lí, nói lí, múa tân’tung da’dă...tạo bộ mặt nông thôn mới phát triển, thu hút đầu tư và du lịch, an ninh nông thôn được giữ vững, cuộc sống đồng bào dần dần ổn định, đổi thay và phát triển bền vững.

Xét về kết cấu không gian là một hình thể khép kín, độc lập trong một khuôn viên thống nhất đồng bộ. Về tổ chức bộ máy tinh gọn, chặt chẽ từ già đến trẻ, thương yêu, đùm bọc nhau, tạo thành một thể thống nhất không tách rời. Chính từ kết cấu và tổ chức cộng đồng khép kín, nên họ gắn bó với nhau một cách bền chặt. Tâm lý của mỗi thành viên tự giác cao và đều muốn cư trú thật gần nhau để "khi tối lửa tắt đèn có nhau".

Văn nghệ dân gian của người Cơtu rất dồi dào và phong phú, được lưu truyền từ đời này qua đời khác, nội dung chủ yếu là ca ngợi tinh thần dũng cảm, đấu tranh với thiên nhiên, chiến thắng kẻ thù, về lao động sản xuất, đạo đức, lối sống, về tình yêu lứa đôi và thân phận của những người nghèo khó… Đặc sắc nhất là vũ điệu múa tân'tung, da'dă[13], ra’dooc, trong đó tân’tung là phần vũ điệu của nam giới và da’dă là vũ điệu của nữ giới. Hai điệu múa này thể hiện tinh thần tập thể, tính cộng đồng rất cao, bởi nó phản ánh cuộc sống lao động và đấu tranh sinh tồn của con người Cơtu với thiên nhiên, phản ánh sức sống mãnh liệt và trở thành nét văn hóa nổi bật của dân tộc Cơtu.

Làn điệu dân ca của người Cơtu rất giàu âm điệu, như điệu “ru con” (p’dơng k’coon) nói lên ước mơ của cha mẹ mong con khôn lớn, khoẻ mạnh, hạnh phúc; điệu hát “ba booch” để trai gái tỏ tình với nhau, để bạn bè tâm sự; điệu “bh’nooch” (hát lý), “pr’ma” (nói lý), “Nơơi” (khóc tế trâu), “C’lâu”, “C’lêng” (khóc người chết)... các điệu hát nêu trên không có bài nguyên văn, tất cả tự ứng khẩu, đối đáp với nhau nhưng có vần, có điệu theo một quy tắc rõ ràng, không đơn giản. Nhạc cụ chủ yếu của người C’tu là đàn môi, đàn bầu, khèn, cồng chiêng, tù và, ahen, tuốt, abel, joo, aguôch, tơr’hoong...

Hiện nay, điệu tân tung, da dắ, các làn điệu dân ca và nhạc cụ Cơtu vẫn còn phổ biến trong các lễ hội truyền thống của người Cơtu xã Atiêng và thường xuyên biểu diễn phục vụ khách đến chung vui hội làng. Từ đó đã để lại tỉnh cảm của những người con Cơ tu khi xa quê nhớ nhung da giết, ví như:

 “Quê tôi bao phủ trời xanh,

Chim kêu, vượn hót vang quanh bốn mùa.

Rừng già, suối mát, ruộng thưa,

Xa xa mây trắng sớm trưa nhân tình.

Núi cao che khuất dáng hình,

Biên cương vẫy gọi giữ tình non song…”[14]

Về trang phục truyền thống của người Cơtu có các kiểu khố, áo, váy, tấm choàng, tấm đắp. Đàn ông Cơtu thường đóng khố (h'dzăl) choàng dồ, đàn bà mặc váy, ngực đeo yếm, lưng để trần; cả đàn ông và đàn bà đều búi tóc, xâu tai. Trang sức chủ yếu là vòng đồng, bạc, mã não, hạt cườm... Trước đây,đồng bào trong xã biết trồng bông, trồng cây nhuộm màu, tạo thành những nguyên liệu dệt thổ cẩm để dùng, trong dệt thổ cẩm màu sắc Cơtu thích là gam màu đen, viền đỏ, vàng và trắng; tấm tút còn là vật trao đổi mua bán hoặc làm vật lễ cưới xin. Vào những ngày hội làng, lễ tết, cưới hỏi,… trang phục được nam giới và phụ nữ mặc vào làm cho ngày hội trở nên tươi thắm và rực rỡ hơn. Ngày nay, do xu thế hội nhập, trang phục Cơtu chủ yếu còn các chị em nữ giới mặc vào.

Đa số phụ nữ Cơtu đều biết dệt thổ cẩm, ở xã Atiêng từ trước đến nay được nhiều người biết đến là nơi dệt thổ cẩm nổi tiếng nhất huyện Tây Giang, trong đó có các thôn như Tàvàng, Achiing, Zơrượt, Agrồng,…; riêng thôn Tàvàng đã thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Cơtu với 12 chị em trong thôn liên kết nhau hoạt động, có quy chế, phân công nhiệm vụ cụ thể và hiện nay đang đưa vào hoạt động tại Làng truyền thống Cơtu huyện Tây Giang, gắn với việc phát triển du lịch để tạo thu nhập tốt cho chị em trong Tổ.

Người Cơtu có nhiều tập quán, lễ hội khác nhau như Pr'ngooch, cúng cơm mới, đâm trâu... Đặc trưng ẩm thực người Cơtu là cơm lam (Aví hoor), bánh cuốt (Aví cuốt), xôi hông... thịt nướng ống tre và đồ uống: Tr'đin, t'vạc, buah (rượu cần)... Đồng bào trồng nhiều giống lúa như: ba trăng, mùa nhe, nếp than, đặc biệt giống lúa Prông Xươn, hạt gạo thơm ngon và dẻo, hiện đang được bảo tồn, nhân giống tạo ra thương phẩm đặc sản Tây Giang. Địa bàn xã Atiêng hiện coòn các di tích chữ cổ tại tảng đá khu Z’mớ (clọng xi’ră) nay thuộc xã Lăng, mồ mã cổ hiện còn ở trên các đỉnh núi cao mà các nhà khảo cổ chưa khai quật tìm rõ lai lịch.

Lễ hội đâm trâu là nét văn hóa đặc sắc của người Cơtu. Lễ hội thường được tổ chức vào mùa tỉa lúa, thường vào mùa xuân. Người Cơtu luôn tin vào Giàng và các thần linh. Đối với họ, con trâu rất gần gũi với đời sống thường ngày nhưng cũng là vật quan trọng dùng để hiến tế thần linh trong các dịp lễ hội làng, cưới hỏi. Người Cơtu quan niệm rằng, sau khi nhận lễ vật cúng của dân làng, các thần linh sẽ che chở họ, xua đuổi ma rừng để dân làng yên ấm, không bị chết xấu. Ngoài ra, lễ hội đâm trâu còn có ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống dân làng quanh năm ấm no, hạnh phúc, gia đình đoàn kết, sum vầy…

Lễ Tết của người Cơtu cũng theo lễ Tết người Kinh. Sau 1954 trở về đây, đồng bào vùng cao đón nhận ánh sáng cách mạng, một số cán bộ người Kinh lên xây dựng phong trào theo ngày Tết cổ truyền của dân tộc đến với người Cơtu. Hiện nay, người Cơtu chỉ đón Tết nguyên đán theo quy định chung của đất nước.

Tôn giáo ở người Cơtu Tây Giang nói chung và Atiêng nói riêng đến thời điểm hiện nay không có người nào theo các đạo giáo (trừ một vài người thuộc dân tộc Kinh (chủ yếu từ phía Bắc di cư vào) nhưng không có cơ sở thờ tự nên muốn sinh hoạt đạo giáo thì họ phải về Đông Giang hay Đà Nẵng).

4. Địa lý hành chính, tên gọi xã và các lần chia tách, sát nhập, tái lập xã

Trước cách mạng tháng Tám năm 1945 có tên là làng Bhađun, sau đó mới có đơn vị hành chính cấp xã. Tên làng do đồng bào chọn tên con sông, con suối lớn hoặc dãy núi cao để đặt tên như Clong Tiêng (Vùng nước sâu, lớn của sông Avương nằm tại thôn Ahu và để đặt tên xã Atiêng), Tr’lêê,..

Về mặt địa giới hành chính, địa bàn xã Atiêng, là một vùng núi trực thuộc huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Có đường giao thông huyết mạch từ Hội An đi Đại Lộc qua Đông Giang đến địa bàn xã Atiêng rồi qua đất Lào đi Xiêm, ông cha ta gọi đây là đường muối... Và tên gọi qua các thời kỳ nư sau:

Lần thứ 1: Từ năm 1945 lấy tên gọi từ làng Bhađun thành xã Bhađun (Atiêng ngày nay) chính quyền cấp xã chính thức được thành lập. Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến, cuối năm 1946 đoàn cán bộ xây dựng Bến Hiên được thành lập với nhiệm vụ đi sâu các vùng đồng bào Cơtu tiến hành vận động cách mạng. Theo quyết định của Uỷ ban Kháng chiến – Hành chính Quảng Nam, huyện Bến Hiên được thành lập, bao gồm địa bàn huyện Đông Giang và huyện Tây Giang ngày nay. Huyện Bến Hiên gồm các xã: Hiên Đườm (Cram Lo), Bha’coong, Đhơr’nghêi, Macooih, Aroọng, Avương, Anông, Bhađun, Cơr’ghiêr, Axur, A’óh, R’ghúh, Tr’hy[15], K’nung, Bha’lêê, K’ool, Ri’măng.

Sau thời gian thực dân Pháp đô hộ nước ta, chúng đóng 3 đồn Biên phòng Atu (Ch’ơm), Z’mớ (Atiêng cũ, nay là Lăng), Atêếp (Bha’lêê ngày nay), một số mỏ vàng Pháp đã khai thác hiện vẫn còn dấu tích; trên đỉnh núi L’gôm có độ cao 1527,8 mét so mặt nước biển Pháp đã trồng cây Thông, đào giếng, chuẩn bị đầu tư khu nghỉ mát, ở các xã vùng cao chúng trồng hàng trăm ha rừng thông ca-ri-be, tre gai nhằm làm dấu một số vùng mỏ (?). Sau khi Pháp thua, Mỹ nhảy vào, Chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm ngày 24-6-1958 ký thành lập quận Hiên Giằng và vào ngày 02-3-1959, quyết định đổi tên quận Hiên Giằng thành quận Thượng Đức[16]. Mỹ ngụy cũng đóng nhiều Đồn bót, như: Ga’lâu, Apăl (Avương), Bốt Đỏ (địa phương gọi Ta’rêêl) thuộc xã Anông, Ahu (Atiêng), K’xăh (Dang), T’râm (Axan), Ta Xiên (Ch’ơm) và nhiều trận biệt kích đổ bộ nhằm phá khu căn cứ của ta cắt đứt đường dây Bắc Nam và đường qua Lào trên vùng núi rừng này.

Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng quyết định tách các xã có đường biên giới chung với các huyện K’lừm, Đắc Chưng của tỉnh Sê Kông (Lào) gồm các xã Axan[17], Tr'hy, Ch'ơm[18], Bhalêê[19]thuộc vùng cao huyện Bến Hiên, và các xã Laê, Coong Nâng, Đắc Tôih, Đắc Pre thuộc vùng cao của huyện Bến Giằng để thành lập một huyện mới lấy tên là huyện Hải Nam, song chỉ một thời gian sau đó, theo chủ trương của Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng họp tại làng Ađhur, xã Arooi, Tây Giang (nay Đông Giang) bên dòng sông Avương vào tháng 01-1960, các huyện Bến Hiên, Bến Giằng, Hải Nam và miền Tây Hòa Vang hợp nhất thành một huyện lớn lấy tên là huyện Thống Nhất.

Huyện Thống Nhất chia 08 vùng, gọi là Khu như sau:

- Khu 1 các xã: Ba, Tư, Năm;

- Khu 2 các xã Macooih, Talu, Sông Kôn, Ca Dăng;

- Khu 3 các xã Anông, Avương, Cơr’ghiar, K’nung;

- Khu 4 các xã: Arooi, Dang, (Tiêng), Lăng, Ating;

- Khu 5 các xã: Bến Yên, Tà Lào, Ca Dy, Ra Ràng, Axah;

- Khu 6 các xã: Ta Pơơ, Ta Bhươr, Ra Côông, Laê;

- Khu 7 các xã: Ch’ơm, Tr’hy, Axan, Bhalêê, Ladê;

- Khu 8 các xã: Chàval, Coong Nâng, Đắc Tôih, Đắc Pring, Đắc Pre.

Mục đích chia Khu theo quan điểm của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng để dễ cho sự quản lí, điều hành, tránh sự xáo trộn các vùng lân cận, tạo mối đoàn kết, tập trung sức mạnh chung đấu tranh chống Mỹ - Ngụy. Trước đây xã Atiêng thuộc huyện Bến Hiên cũ.

Tháng 01/1960, xã Atiêng thuộc huyện Thống Nhất, nằm thuộc Khu 4 gồm các xã: Arooi, Dang, Atiêng, Lăng, Ating. Ngày 31 tháng 7 năm 1962, chính quyền Ngô Đình Diệm chia tỉnh Quảng Nam ra làm hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín. Xã Atiêng vẫn thuộc huyện Thống Nhất nhưng thuộc tỉnh Quảng Nam. Về phía ta, tháng 12-1962, thực hiện chủ trương của Khu uỷ 5, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được tách ra thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà. Địa giới tỉnh Quảng Nam từ huyện Quế Sơn vào đến Dốc Sỏi và địa giới tỉnh Quảng Đà từ huyện Duy Xuyên trở ra giáp với tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Sau ngày thành lập tỉnh Quảng Đà vào tháng 3-1963, Tỉnh uỷ quyết định tách huyện Thống Nhất thành 3 huyện Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang. Huyện Tây Giang được chính thức thành lập vào ngày 10/3/1963, bao gồm 13 xã là: Ating, Lăng, Dang, Arooi, Avương, Ch'ơm, Axan, Tr'hy, Anông, Tiêng, Cơr’ghiêr, K’nung, Bhalêê để tiện trong quá trình xác định vị trí, căn cứ cách mạng chuẩn bị các điều kiện, lực lượng đấu tranh theo quyết định của tỉnh Quảng Đà.

Ngày 17/11/1974 đến tháng 5/1975, Đặc Khu ủy Quảng Đà quyết định hợp nhất 2 huyện Đông Giang và Tây Giang thành một huyện lấy tên là huyện Đông Tây Giang. Xã Atiêng là một trong 16 xã thuộc huyện Đông Tây Giang (gồm Bha’lêê, Ch'ơm, Tr'hy, Lăng, Avương, Dang, Arooi, Macooih, Talu, Cadăng, Sông Kôn, Ating, Ba, Tư, Atiêng. Riêng xã K’nung nhập về xã Talu của huyện Đông Giang cũ và xã Cơr’ghiêr nhập vào xã Avương như hiện nay).

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất năm 1975,  huyện Đông Tây Giang đổi tên thành huyện Hiên[20]. Lúc này, huyện Hiên tổ chức sắp xếp toàn bộ xã Ating xuống ở tại khu đất hoang thuộc xã Ba, nhân dân thôn Bhơ Hôồng (xã Atiêng), Cloo, Pruah, H’jang xã Anông ngày nay di dời về xã Sông Kôn cũ (nay Sông Kôn và J’ngây) đang sinh sống ở đầu nguồn sông suối thuộc huyện Tây Giang phải về vùng thấp nơi có đất bằng để làm ruộng nước và giữ rừng đầu nguồn.

Lần thứ 2: Tháng 6 năm 1976, sáp nhập xã Anông và xã Tiêng lấy tên là xã Atiêng.

Thời điểm này, thực hiện Hiệp ước hoạch định biên giới giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào, ký tại Viên Chăn ngày 18 tháng 7 năm 1977, toàn bộ xã Bha’lêê và thôn Abưl của xã Ch’ơm từ trước đến nay thuộc của Việt Nam, nhưng sau khi có Hiệp ước hoạch định hiệu lực thì thuộc về đất Lào. Do vậy, số nhân dân xã Bha’lêê và thôn Abưl phải di chuyển về đất Việt Nam. Huyện định hướng di dời và bố trí tại khu đất hoang khu vực suối Apăng thuộc xã Sông Kôn (Đông Giang). Nhưng lúc đó, đường ô-tô chưa có, nhân dân đa phần người già, con nhỏ, vật dụng trong nhà dân tự gùi, vác trong khi cự ly di chuyển xa, mất hơn 8-10 ngày đường bộ, sức dân chịu không nổi nên phải ở rải rác dọc đường đi, như cụm bản Ta’vàng ở tại hai chỗ Abaanh (Tr’hy) và Agrồng (Atiêng), cụm bản Achiing ở tại Z’rượt (Atiêng), cụm bản Aruung ở tại Azứt, cụm bản Auung ở tại Adzốc (nguyên xã Avương cũ), cụm bản Đh’rôồng về đến đất Talu, cụm bản Achêr về đến Arầng II (Axan)... Riêng cụm bản Abưl ban đầu đến ở cùng thôn Atu ngay sát đó nhưng sau này thiếu đất sản xuất nên xuống ở thôn Glao cùng trong xã. Sau một thời gian thấy ở đó khó ổn định và phát triển nên dân tiếp tục tự đi xuống đến thôn Pa Liêng thuộc xã Ating (nay Đông Giang) ở ổn định lâu dài.

Sau ngày đất nước ta sau giải phóng và liên tiếp chiến tranh biên giới phía Bắc, Tây Nam nên đời sống người dân Atiêng vô vàn khó khăn. Lúc bấy giờ Nhà nước hỗ trợ chất lợp nhà (tôn của Liên Xô hỗ trợ) và vật dụng gia đình (soong nồi...), các mặt khác nhân dân tự lo. Mặc dầu các địa phương tại chỗ hết sức quan tâm, giúp đỡ cho đất đai, nhà cửa, lương thực thực phẩm...nhưng người bản địa cũng rất khó khăn nên chẳng giúp được gì hơn. Do đó, đời sống của dân di chuyển từ Biên giới rất khó khăn, nên nhiều hộ gia đình phải quay về quê cũ nhập về Lào.

Đến năm 1979 hai nước Việt Nam và Lào tổ chức cắm mốc Biên giới, tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo do ông Phạm Đức Nam, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm trưởng Ban, huyện cử đồng chi Trịnh Trâm, Phó Chủ tịch UBND huyện, Ủy viên BCĐ tỉnh, trực tiếp làm trưởng BCĐ huyện, đồng chí Hồ Văn Nhơn, UVTV phó Ban chỉ đạo, trực tiếp chỉ đạo Đại đội Cắm mốc. Đại đội do đồng chí Arất Đốt, Bí thư huyện Đoàn làm Đại đội trưởng, đồng chí Phạm Pháo làm Đại đội phó. Tổ chức rút 150 thanh niên của 06 xã vùng cao, tham gia nghĩa vụ trong 9 tháng (từ tháng 01 đến 9/1979) để hoàn thành cắm mốc quốc gia từ mốc T1 đến T9 (Đại đội chia hai trung Đội: Phân vạch và Cắm mốc). Đây là đoạn có địa hình phức tạp nhất, độ dốc lớn, xa dân cư, tất cả nhờ đôi vai nhiệt tình của thanh niên gùi cõng vật liệu nên công trình cũng sớm hoàn thành theo kế hoạch.

   Ngày 06/11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định chia tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng ra thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Ngày 01/01/1997, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng chính thức đi vào hoạt động theo cơ chế mới. Xã Atiêng, huyện Tây Giang thuộc tỉnh Quảng Nam.

Lần thứ 3: Tháng 8 năm 1999, xã Atiêng tái lập lại và tách ra thành hai xã là (Atiêng và Anông ngày nay), chuyển hai thôn Nal, Aró của xã Atiêng về Lăng, di chuyển thôn J’da, Bha’lừa ở sâu trong núi về sát đường chính có điều kiện phát triển hơn như ngày hôm nay theo Nghị định số 71/NĐ-CP ngày 16/8/1999 của Chính phủ, huyện Hiên đã thành lập lại mới 3 đơn vị hành chính Gari, Anông, J’ngây[21].

Năm 2003 chia tách huyện Hiên thành các huyện Đông Giang và Tây Giang tỉnh Quảng Nam theo Nghị định số 72/2003/NĐ-CP ngày 20/6/2003 của Chính phủ. Huyện Tây Giang lúc này có 10 xã và 70 thôn. Xã Atiêng thuộc huyện Tây Giang, gồm có 06 thôn: Achiing, Z’rượt, Ahu, Ta’vàng, Agrồng, Ra’bhướp. Từ đây, xã Atiêng huyện Tây Giang bước vào một giai đoạn phát triển mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước và tỉnh Quảng Nam.

Dù phải sống trong núi trường sơn hiểm trở, khắc nghiệt, tự cung tự cấp về mọi mặt, thường xuyên đối mặt với thú rừng và kẻ thù nhưng đồng bào Cơtu xã Atiêng vẫn chất phác, thật thà, trung thực, gắn bó, yêu thương nhau trong mọi hoàn cảnh. Đồng bào nơi đây luôn trọng danh dự, uy tín và mến khách, yêu quê hương núi rừng, ghét sự tù túng, ràng buộc, có thái độ rõ ràng với bạn, thù; dám hy sinh để bảo vệ quyền lợi của cộng đồng, làng bản, gia đình, dân tộc.

Trong thời gian dài của lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, ảnh hưởng của nhiều hủ tục lạc hậu, đồng bào Cơtu sống trong khó khăn làm cho cộng đồng đứng trước nguy cơ ly tán và suy thoái. Dưới ánh sáng của Đảng, nhất là từ sau năm 1945, khi những hạt giống cách mạng, lý tưởng của Đảng, Bác Hồ được tuyên truyền gieo trên mảnh đất Atiêng và nẩy mầm xanh tươi đưa đồng bào Cơtu theo Đảng. Suốt quá trình đấu tranh với kẻ thù xâm lược, tinh thần sắt son, thủy chung, tuyệt đối trung thành với Đảng và Bác Hồ được ghi nhận Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1999 dành cho Đảng bộ và nhân dân xã Atiêng.

-------------------------------

[1] Tại buổi Hội thảo 28/4/2011 toàn thể thống nhất ở Tây Giang 4 mùa như trên là đúng.

[2] Số liệu điều tra đất đai năm 2015

[3] Đường muối: năm 1934 thực dân Pháp mở đường 14 từ  Đại Lộc đi Nam Giang, Phước Sơn lên Tây Nguyên. Sau đó năm 1936 mở tiếp đường 13 từ Bến Giằng đi Đắc Tà oọc qua Lào. Trước khi có con đường này  người C’tu, người Kinh qua Lào chỉ một đường duy nhất từ Hội An lên đó là đường mòn: Hội An- Đại Lộc - Bến Hiên - Ma cooih – Dang - Lăng- Tr’hy - A xan - Ch’ơm qua Lào đi Thái Lan ...ông cha ta gọi là đường muối. Sau này Pháp không mở tuyến này vì hai lí do, thứ nhất đường 13 do tiếp nối tại Bến Giằng lên cửa khẩu gần hơn, thứ hai qua đất Hiên dân C’tu đấu tranh chống xâu thuế quyết liệt nên khó vận động và trú ngụ vùng đất này, nên chúng phải tránh. Thực sự khách quan mà nói tuyến đường từ Túy Loan đi Prao lên Tây Giang qua cửa khẩu mở dễ hơn, ít dốc.

[4] Theo đồng chí Bh’riu Prăm, đồng bào người Kinh lên sinh sống với đồng bào người Cơtu ở huyện Tây Giang ở một số xã : Dang, Atiêng, Ating, Axan trước thế kỷ XIX.

[5] Ngày âm lịch Cơtu tính theo:

- Mùa trăng lên: mồng 01: k'chêê (k'nhưức), mồng 02: k'chơớch, mồng 03: ta'lêêr (tơơm loóh), mồng 04: loóh, mồng 05: tơơm k'lang, mồng 06: tu k'lang, mồng 07: tơơm đha, mồng 08: tu đha (có nơi gọi là pợng), mồng 09: tơơm bâu, mồng 10: tu bâu, ngày 11: tơơm k'mấch, ngày 12: tu k'mấch, ngày 13: aviêr, 14: cr'lươi (cr'ley), 15: abhướp pớ (zr'nếh, bhung hông).

- Mùa trăng khuyết: ngày 16: tr'cuôl, ngày 17: zi brang, ngày 18: ching, ngày 19: tơơm k'mấch (k'móch), ngày 20: tu k'mấch, ngày 21: tơơm bâu ngày 22: tu bâu, ngày 23: tơơm đha, ngày 24: tu đha, ngày 25: tơơm k'lang, ngày 26: tu k'lang, ngày 27: tơơm ta'cooi, gày 28: tu ta'cooi, gày 29: bh'nil, ngày 30: p’nắt (ư'joóc z'văr).Lưu ý: thực tế tháng âm lịch không phải tháng nào cũng đủ 30 ngày, tháng thiếu chỉ là 29 ngày, cho nên ngày Ta’coi chỉ 01 ngày thôi. Muốn rõ thêm thì thường xuyên xem ngày âm lịch để vận dụng cho đúng.

[6] Xuôi gia Cơtu kị không cho nhau các con: dúi (ca lúi), kì nhông, rắn, gà rừng, chim sẻ, cu gáy, dơi bay (atông). Quan niệm cho rằng cho và ăn chung các con vật đó dễ sợ mất đoàn kết, con cái không hạnh phúc, nghi kị lẫn nhau.

[7] Nạn "đầu tôi" là nạn mua phụ nữ về làm vợ. Người phụ nữ xem như là món hàng để đổi chác, nam nữ thanh niên không được tự do yêu thương, kết hôn. Con đường "đầu tôi" làm cho mọi gia đình, mọi tộc họ đều tính toán hơn thiệt, vì họ vừa là chủ nợ đồng thời vừa là con nợ, "đầu tôi" là sợi dây oan nghiệt trói buộc xã hội, nó có cội rễ xã hội lâu đời, đi vào nếp nghĩ, khuôn phép luân lý mang tính chất toàn cục chứ không phải ở một xã, một vùng nào.

[8] Đồng bào quan niệm về chết xấu (cọp vồ, cây đè, đá lăn, sảy thai, ăn lá ngón tự tử...), gia đình nào có người chết nếu là đàn ông thì phải chôn theo người chết: chiêng, ché, mền, khố, tên ná, gươm giáo, còn phụ nữ: áo quần, nồi niêu, chén bát, các loại trang sức, các vật dụng trên được xếp trên mồ. Làng nào có người chết thì gia đình đó cúng heo, đổ rượu, ninh xôi, kiêng cữ ra rừng, rẫy từ 5 đến 7 ngày, nặng  thì cả làng lập tức bỏ hết nhà cửa, giết hết heo gà, gùi hết đồ đạc tìm chỗ xây dựng làng mới.

[9] “Giặc mùa” là một tập tục giết người làng khác để lấy máu cúng Giàng, nhằm cầu mong Giàng không làm hại đến mùa màng, bản thân, gia đình và người trong làng mình. Nạn “Giặc mùa” trước đây thường xảy ra sau mùa tuốt lúa, vào khoảng các tháng 1,2,3 âm lịch và sau mùa tỉa lúa vào các tháng 6,7,8 hằng năm. Tập tục này đã đuợc xoá bỏ từ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

[10] Theo đồng chí Bh’riu Prăm: Người C’tu trước kia chưa có chữ viết nhưng nhớ các sự kiện và sự việc do người đi trước kể lại rất dài và rất lâu, không thể quê được. Ví dụ như ông Kỵ kể chuyện cho ông Cụ rồi ông Cụ truyền lại cho ông Cố, rồi ông Cố truyền chuyện cho ông Nội và ông nội kể lại cho ông Cha, cha kể lại cho con, rồi con truyền lại cho cháu, chít…

[11] Cónh Cơ Đông, tên thật là Bh’riu Pua, sau này làm Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện Tây Giang, sinh hai con trai: một đ/c ra Bắc học hết Đại học, rồi về xã làm Chủ tịch, Bí thư xã; một đ/c làm đến chức Huyện ủy viên, phó Ban Tổ chức huyện ủy Hiên. Cháu nội hiện là Huyện ủy viên, Chủ tịch phụ nữ huyện Tây Giang..

[12] Một hiện tượng đáng chú ý là việc phát hiện các chiếc trống đồng Đông Sơn tại làng gốm cổ truyền Ki’nonh, cho thấy từ lâu đời đồng bào Cơtu huyện Tây Giang đã biết đến trống đồng Đông Sơn (Ra cam) - một sản phẩm văn hoá độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, một biểu hiện sinh động của nền văn minh lúa nước sông Hồng. Trong 3 chiếc trống đồng nêu trên, được phát hiện vào năm 1985, thì một chiếc bị vỡ nát. Chiếc này theo lời kể của già làng Ki’noonh, chiếc trồng đồng bị vỡ nát này làng có được là do một cuộc trao đổi, mua bán người làm thuê, xảy ra cách lúc đây khoảng hai đời. Chiếc trống đồng thứ hai và thứ ba, chiếc nào cũng bị vỡ ở thân trống và mặt trống. Chiếc thứ hai là do làng láng giềng bị một vạ lớn đem nộp phạt cho làng Canonh. Còn chiếc thứ 3 là do dân làng Ki'nonh phát hiện khi đào đất sét để làm đồ gốm. Xem: Trần Văn Tuấn – Tôn Thất Hương: Tìm thấy ba chiếc trống đồng trân đất Quảng Nam-Đà Nẵng, đăng trên Thông tin KHKT, số 3-1985.

[13] Kaj Arhem - giáo sư về nhân học và dân tộc học tại Trường Đại học Gotenborg (Thụy Điển) miêu tả như sau về vũ điệu t’tung – da’dă của người C’tu: “...Đàn bà uyển chuyển ngửa tay uốn mình theo điệu múa Da’dă. Đàn ông đeo mặt nạ múa khiên, lắc mình dồn dập theo vũ khúc Ting tung hoặc Prlư. Chàng trai nhảy đẹp nhất đứng giữa... Ánh mắt đắm đuối của cô gái đẹp nhất làng hút theo. Từ nhỏ tới lớn, anh chàng đã được luyện nhiều cuộc ting tung, hàng ngàn lần được nghe những trai bản, già làng dạy cách tán gái, dạy làm rẫy, săn bắt và nhảy múa cho tiếng chiêng cứ treo mãi, ngân không dứt trên nóc nhà Gươl. Anh chàng đang luyện cho lễ đâm trâu sau này, khi chính anh ta là chủ lễ. Chừng đó, anh ta mang con trâu đẹp tới đền đáp ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ người con gái xinh đẹp đảm lược nhất làng”.

[14] Tác giả Briu Liếc: Tiếng Cơtu - Kinh và văn hóa làng Cơ tu, Tây Giang 2006, Tr. 15

[15] Tr’hy trước kia có tên là Đh’hi., sau này cho đọc lại thành Tr’hy

[16] Về phía địch, trên danh nghĩa, địa bàn Tây Giang trực thuộc quận Thượng Đức cho đến ngày ta giải phóng. Về thực chất, đây là vùng căn cứ địa cách mạng, do ta quản lý

[17] Tách Axan ra từ Tr’hy

[18] Nhập K’ool, Ri’măng lập thành xã mới Ch’ơm

[19] Bha’lêê cũ trước Hoạch định biên giới năm 1977 địa bàn ở đất Lào thuộc các thôn: Tàvàng, Achiing, Achêr, Đh’rôông, Nhêên, Chi’đhơ, Auung, Aruung, Acol…Sau năm 1977 dân các thôn này về hết Việt Nam, còn lại một số hộ ở đất Lào nhập quốc tịch Lào. Còn xã Bha’lêê hiện nay nguyên trước đây thuộc  một phần đất của xã Avương, số thôn của Bha’lêê cũ về tại Avương lập thành thôn mới chỉ có hai thôn Auung và Aruung ngày nay.

[20] Tại ngã ba sông Aroọng, sông Kôn thuộc địa phận xã Ca Dăng, Đông Giang vào những năm đầu thế kỷ XX có một người Kinh trrn là Hiên từ Đại Lộc lên sinh sống tại đây. Tất cả thuyền, bè và người buôn bán qua lại phải ghé đây nghỉ chân, trao đổi hàng hóa. Từ đó quen gọi ban đầu là bến ông Hiên, sau này gọi tắt Bến Hiên. Địa danh huyện Hiên cũng từ đó ra và mãi đến năm 2003 mới hết.

[21] Tách Ch’ơm thành Gari và Ch’ơm, tách Atiêng thành A tiêng và Anông, tách Sông Kôn thành Sông Kôn và J’ngây.









Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

BẢN QUYỀN ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ A TIÊNG
Địa chỉ : Xã Atiêng - Huyện Tây Giang - Tỉnh Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)